
Thời gian gần đây, xảy ra rất nhiều vụ việc các công ty bảo vệ sử dụng lao động, sau khi chấm dứt hợp đồng đã dùng nhiều lý do để không chi trả các khoản lương còn lại cho nhân viên bảo vệ.
Tiền lương là một trong những quyền lợi mà nhân viên bảo vệ được nhận sau khi vào làm việc tại các công ty bảo vệ dịch vụ. Trong trường hợp công ty chậm trả tiền lương hoặc không thanh toán tiền lương cho bảo vệ thì phải làm như thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình?
Ảnh minh họa
Văn phòng Tư vấn pháp luật nhận được rất nhiều câu hỏi với chung nội dung: Hiện nay, có nhiều công ty bảo vệ không thanh toán tiền lương cho người lao động theo nguyên tắc trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn nên nhân viên bảo vệ không biết xử lý như thế nào cho đúng quy định pháp luật. Họ vô cùng lo sợ bị quỵt lương.
Văn phòng Tư vấn pháp luật trả lời:
Khi nộp hồ sơ xin việc cần lưu ý gì?
Trước hết, nhân viên bảo vệ cần xem lại, khi được nhận vào làm việc, có ký kết hợp đồng lao động, có những thỏa thuận gì… Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau:
- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
- Đối với công việc thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Trong trường hợp không kí hợp đồng lao động thì nhân viên bảo vệ cần phải có giấy tờ chứng minh mình đã làm việc cho công ty bảo vệ. Nhân viên bảo vệ có thể lập văn bản tường trình mình đã làm việc cho họ và xin xác nhận làm chứng của cán bộ quản lý tại mục tiêu, chủ quản tại mục tiêu hay những nhân viên cùng làm việc.
Cũng nên lưu ý. Hiện nay, nhiều người lao động đi làm không ký hợp đồng vì nhiều lý do. Thực tế, hợp đồng lao động rất quan trọng vì đó là công cụ bảo vệ bạn khỏi sự bóc lột của người sử dụng lao động. Chính vì vậy, khi nộp hồ sơ xin việc làm, người lao động cần yêu cầu nhân viên hành chính nhân sự ký kết hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động tùy theo tình hình thực tế.
Trước khi nghỉ việc cần làm gì?
Tiếp đó, để đảm bảo được nhận đủ quyền lợi, khi nghỉ việc nhân viên bảo vệ cũng cần tuân thủ đúng quy định tại điều 37 Bộ luật lao động 2012:
“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
- a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
- b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
- c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”
Nghỉ việc công ty bảo vệ không trả lương phải làm gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những tranh chấp về tiền lương phải được hòa giải viên tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện. Do đó, trước hết nhân viên bảo vệ cần làm đơn gửi Phòng Lao động Thương binh Xã hội cấp quận (huyện) nơi công ty bảo vệ đóng trụ sở (thường có hoà giải viên lao động) yêu cầu hoà giải về việc không được trả lương đầy đủ. Nếu sau 5 ngày làm việc kể từ khi gửi đơn mà hòa giải viên không hoà giải hoặc hoà giải không thành thì bạn được quyền khởi kiện cơ sở đó ra TAND cấp huyện nơi cơ sở đóng trụ sở để yêu cầu toà tuyên buộc cơ sở phải trả lương cho bạn đầy đủ.